Nhà nước liên bang
Nước Đức là một nền dân chủ nghị viện. Các cơ quan lập pháp gồm Quốc hội Liên bang, Hội đồng Liên bang, Tổng thống Liên bang, Chính phủ Liên bang và Tòa án Hiến pháp Liên bang.
Nước Đức là một nền dân chủ nghị viện và liên bang. Cơ quan hiến pháp hiện diện nhất trong cảm nhận của công chúng là Quốc hội Liên bang được cử tri bầu trực tiếp 4 năm một lần. Những nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội Liên bang là lập pháp và kiểm tra công việc của chính phủ. Quốc hội Liên bang bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng liên bang cho nhiệm kỳ quốc hội. Trong Chính phủ Liên bang, Thủ tướng Liên bang có thẩm quyền đưa ra định hướng, có nghĩa là Thủ tướng ấn định những đường lối cơ bản. Thủ tướng Liên bang xác định các bộ trưởng liên bang và chọn trong số đó một người làm phó thủ tướng. Tuy nhiên trên thực tế các đảng tham gia chính phủ quyết định ai là bộ trưởng những bộ mỗi đảng được cử bộ trưởng theo kết quả đàm phán thành lập chính phủ liên minh. Khi một chính phủ liên minh tan vỡ thì Thủ tướng Liên bang cũng có thể bị bãi nhiệm trước khi nhiệm kỳ bầu cử 4 năm kết thúc, vì Quốc hội Liên bang có quyền bãi nhiệm người đứng đầu chính phủ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên trong trường hợp này quốc hội phải đồng thời bằng một „cuộc bỏ phiếu mất tín nhiệm trên tinh thần xây dựng“ bầu người kế nhiệm. Như vậy không thể xảy ra tình trạng có khoảng thời gian không có chính phủ điều hành.
Chính phủ liên minh là thông lệ ở Đức
Yếu tố quyết định tính chất của quốc hội là hệ thống bầu cử theo tỷ lệ cá nhân. Qua đó những đảng nhỏ cũng có đại diện trong Quốc hội Liên bang tương ứng với kết quả bầu cử của họ. Chính vì thế Chính phủ Liên bang được thành lập thông qua một liên minh của nhiều đảng cạnh tranh với nhau trong bầu cử quốc hội - trừ một ngoại lệ duy nhất cho đến nay. Từ Quốc hội Liên bang khóa I bầu năm 1949 đến nay có tất cả 23 chính phủ liên minh. Để ngăn chặn tình trạng quốc hội bị xé nhỏ và đơn giản hóa việc thành lập chính phủ thì các đảng phải nhận được ít nhất 5% phiếu bầu (hoặc có ít nhất 3 ứng cử viên được bầu trực tiếp) để được đại diện trong Quốc hội Liên bang (ngưỡng 5%).
Tính chất liên bang của nước Đức thể hiện qua tính tự chủ rất lớn của 16 bang, đặc biệt trong các lĩnh vực cảnh sát, phòng chống thảm họa, tư pháp, giáo dục đào tạo và văn hóa. Vì lý do lịch sử, các thành phố Berlin, Hamburg và Bremen cũng đồng thời là các bang. Mối quan hệ đan xen chặt chẽ giữa các bang và nhà nước trung ương là có một không hai và từ mối quan hệ đó nảy sinh nhiều khả năng để chính phủ các bang tham gia vào chính sách liên bang. Điều đó được thực hiện trước hết thông qua nghị viện thứ hai là Hội đồng Liên bang gồm thành viên chính phủ các bang. Trụ sở của Hội đồng Liên bang cũng ở Berlin. Những bang đông dân có nhiều đại diện trong Hội đồng Liên bang hơn những bang ít dân. Các đảng đối lập tầm liên bang hoặc không có đại diện trong Quốc hội Liên bang cũng có thể thông qua sự tham gia trong chính phủ các bang gây ảnh hưởng lên chính sách của liên bang, vì nhiều đạo luật liên bang và pháp lệnh cần phải được Hội đồng Liên bang chấp thuận. Lần đầu tiên từ năm 2011 và 2014 hai đảng nhỏ nhất có đại diện trong Quốc hội Liên bang là Liên minh 90/Đảnh Xanh và Đảng cánh tả nắm giữ chức vụ thủ hiến tại một bang (bang Baden-Württemberg và bang Thüringen)
Vì không có lịch bầu cử thống nhất cho quốc hội các bang và nhiệm kỳ quốc hội các bang cũng không trùng nhau, nên có thể trong một nhiệm kỳ Quốc hội Liên bang tương quan lực lượng trong Hội đồng Liên bang thay đổi nhiều lần. Trong tình trạng hiện nay của quốc hội các bang, Chính phủ Liên bang không có được đa số chắc chắn trong Hội đồng Liên bang. Ở đó không có những nhóm ủy viên có sự phân định rõ ràng với phiếu biểu quyết thống nhất nữa, vì tình trạng ở 16 bang đa dạng chưa từng có trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức. Chỉ ở bang Bayern đảng CSU cầm quyền mà không có đảng liên minh nào. Bên cạnh chính phủ một số bang do CDU và SPD cầm quyền, tại các bang còn lại là liên minh cầm quyền giữa SPD với Liên minh 90/Đảng Xanh, giữa CDU với Liên minh 90/Đảng Xanh, giữa SPD với Đảnh cánh tả và một liên minh giữa Đảng cánh tả, SPD với Liên minh 90/Đảng Xanh.
Tổng thống Liên bang là công dân thứ nhất của đất nước
Tổng thống Liên bang là chức danh lễ tân cao nhất. Tổng thống không do nhân dân, mà do Đại hội Liên bang bầu. Đại hội này nhóm họp chỉ riêng cho việc bầu tổng thống. Đại hội Liên bang gồm một nửa là nghị sĩ Quốc hội Liên bang và một nửa được quốc hội các bang bầu tương ứng với số ghế phân chia trong quốc hội của từng bang. Tổng thống Liên bang có nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bầu lại một nhiệm kỳ nữa. Từ năm 2012 Tổng thống Liên bang là Joachim Gauck. Ông không thuộc đảng nào và từng là mục sư đạo Tin lành tại Cộng hòa dân chủ Đức trước kia. Trong cuộc cách mạng hòa bình 1989/1990 ông hoạt động trong phòng trào quyền công dân. Joachim Gauck là Tổng thống Liên bang thứ 11 kể từ năm 1949. Tuy Tổng thống Liên bang trước hết có nhiệm vụ đại diện, nhưng ông cũng có thể từ chối ký các đạo luật, nếu nghi ngờ tính hợp hiến của những đạo luật đó. Cho đến nay các tổng thống tạo ra những ảnh hưởng to lớn nhất thông qua các diễn văn công khai được công luận rất quan tâm. Các tổng thống liên bang kiềm chề ý kiến của mình đối với chính sách của các đảng, tuy nhiên cũng đề cập đến những vấn đề thời sự và đôi khi nhắc nhở chính phủ, quốc hội hoặc dân chúng hành động. Joachim Gauck tự coi mình là tổng thống của người dân và thường đề cập đến những chủ đề về quyền con người, ý thức tự chịu trách nhiệm của nước Đức và nguy cơ đe dọa nền dân chủ.
Tòa án Hiến pháp Liên bang ở Karlsruhe canh giữ Luật cơ bản
Tòa án Hiến pháp Liên bang ở Karlsruhe có nhiều ảnh hưởng và rất có uy tín trong công chúng. Tòa án Hiến pháp được coi là „Cơ quan canh giữ Luật cơ bản“ và bằng những quyết định định hướng tòa đưa ra một diễn giải có hiệu lực đối với văn bản hiến pháp.
Tòa án Hiến pháp có 2 tòa phán xét các tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan lập pháp và có thể tuyên bố các đạo luật không phù hợp với Luật cơ bản. Mỗi công dân có thể kiện lên Tòa án Hiến pháp Liên bang, nếu người đó cho rằng một đạo luật nào đó xâm phạm những quyền cơ bản của mình. Tầm quan trọng to lớn của Tòa án Hiến pháp Liên bang mới đây được thể hiện qua những phán quyết về việc Quốc hội Liên bang chuyển giao một số quyền cho Liên minh châu Âu.